Hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê năng suất cao

Kỹ thuật trồng cà phê

Ngoài việc lựa chọn giống cà phê đạt tiêu chuẩn thì kỹ thuật trồng cà phê cũng quyết định không nhỏ đến sinh trưởng và năng suất của vườn cà phê. Nếu bạn quan tâm đến những kỹ thuật trồng cà phê từ cơ bản cho đến quy trình trồng cà phê áp dụng những phương phát kỹ thuật, công nghệ cao thì nhất định không được bỏ lỡ bài viết sau đây.

Kỹ thuật trồng cà phê bằng hạt ươm 

Cách 1: Gieo hạt ươm trên luống đất

  • Chuẩn bị luống đất: Dùng đất mặt mịn, tơi xốp đã sàng lọc rác, rễ cây… vun thành luống cao 15-20cm, rộng 1m – 1m2 có thể trộn thêm cát hoặc vỏ trấu để tăng thêm độ tơi xốp, hạt nảy mầm sẽ có rễ thẳng. 
  • Rải 1 lớp hạt đã được xử lý lên trên cùng của luống đất, sao cho các hạt không chồng lên nhau, càng kín càng tốt
  • Tiếp tục phủ lên hạt một phần đất mịn hoặc cát dày 1-2cm
  • Trên cùng phủ rơm, trấu, mùn cưa hoặc lưới nilon (loại dùng che nắng) có tác dụng giữ ẩm và tránh làm hạt bị xói lên trên khi tưới.
  • Sau vài tuần hạt bắt đầu nảy mầm, vươn lên khỏi luống, ta có thể dỡ bớt lớp rơm, trấu, mùn cưa và tiếp tục tưới nước giữ ẩm cho cây phát triển
  • Khi hạt ươm bắt đầu bung lá sò, ta tiến hành gỡ gạch ván xung quanh luống, nhẹ nhàng tách cây ra khỏi luống
  • Lựa những cây rễ thẳng, khỏe mạnh. 

Cách 2: Ủ hạt và ươm trực tiếp vào bầu ươm

  • Hạt sau khi xử lý ta không ươm lên luống đất mà dùng túi vải, bao gai bọc kín, đặt vào rổ rá, để nơi thoáng mát, tiến hành ủ hạt. Hằng ngày dùng nước ấm 60oC tưới ẩm túi ươm. 
  • Sau 2-3 tuần hạt bắt đầu nảy mầm, lựa những hạt nảy mầm đem ra ươm trước. Số còn lại tiếp tục ủ cho ra mầm.
  • Dùng đũa tre, dùi gỗ chọc 1 lỗ sâu 1cm chính giữa bầu, đặt hạt vào lỗ, dùng đất bột lấp kín lỗ. Khi đặt hạt cần đặt nằm úp (mặt ngang bên dưới, mặt cong bên trên, đặt ngang hoàn toàn, không đặt dọc)
  • Dùng rơm, trấu, mùn cưa hoặc lưới nilon (loại dùng che nắng) phủ lên trên bầu ươm. Tiến hành tưới nước cho cây tiếp tục nảy mầm.
  • Sau khi cây nảy mầm tiến hành chăm sóc bình thường cho đến khi cây đủ lớn thì đem trồng.

Kỹ thuật trồng cà phê bằng cây giống

Chuẩn bị đất trồng cà phê

Đất trồng phải là đất tốt, tầng đất dày, tơi xốp, dễ thoát nước, giàu dinh dưỡng. Nếu phải trồng lại trên chu kỳ trước đã trồng cà phê thì phải trồng cây cải tạo đất như các cây họ đậu từ 2-3 năm. 

Thiết kế vườn trồng

Tùy thuộc vào địa hình phẳng hoặc dốc, vườn cây được thiết kế thành các lô có diện tích từ 16-20 ha. Chiều dài của mỗi lô được đặt song song với đường đồng mức. Mỗi lô được chia thành các lô nhỏ có diện tích 1 ha (kích thước 50x100m) để thuận tiện quản lý. Các hàng cây cà phê trong mỗi lô có chiều dài 50m, và tổng chiều dài hàng cà phê trong một lô dao động từ 400 – 500 m.

Các đường phụ giữa các lô có chiều rộng 5m (đo từ gốc cây cà phê của một lô sang gốc cây cà phê của lô kế tiếp). Trong trường hợp địa hình có độ dốc trên 80, cần chú ý đến thiết kế sao cho cơ giới chăm sóc và vận chuyển có thể hoạt động hiệu quả. Cần bảo đảm các biện pháp chống xói mòn như thiết kế hàng cây theo hình đồng mức (vành nón), trồng cây cà phê theo kiểu nanh sấu, và trồng các dải cây chống xói mòn.

Đối với các hộ nông dân có diện tích nhỏ, không yêu cầu phải phân lô, tuy nhiên, cần trồng cây cà phê theo đường đồng mức để tối ưu hóa quản lý và khai thác năng suất.

Đào hố, trộn phân lấp hố

  • Kích thước hố đào: Đất tốt đào dài 40 cm, rộng 40cm và sâu 50cm. Đất xấu đào dài 50cm, rộng 50cm và sâu 60 cm
  • Trộn phân lấp hố: Phân hữu cơ, lân trộn đều với đất mặt và lấp xuống hố. Hỗn hợp đất phân lấp cao hơn mặt hố từ 10-15cm. Trộn phân, lấp hố phải xong trước khi trồng mới khoảng 1-2 tháng.
  • Liều lượng phân cho 1 hố: Phân hữu cơ 10 – 15kg, phân lân 0,5 kg.

Mật độ trồng

Đối với giống cà phê chè Catimor: nên trồng với mật độ 5.000 cây/ha, với khoảng cách giữa các hàng là 2m và khoảng cách giữa các cây trong hàng là 1m. Trong trường hợp đất không tốt, có thể thực hiện trồng cây một cách dày đặc hơn.

Đối với giống cà phê vối (Robusta), có hai lựa chọn về mật độ trồng:

  • Kích thước 3,5×2,5m, tương ứng với mật độ 1.330 cây/ha, với việc trồng 1 cây cho mỗi hố.
  • Kích thước 3,0×2,5m, tương ứng với mật độ 2.660 cây/ha, với việc trồng 2 cây cho mỗi hố.

Lựa chọn giữa hai kích thước này có thể phụ thuộc vào điều kiện đất cụ thể và mục tiêu sản xuất của người nông dân.

Biện pháp phòng ngừa sâu bệnh hại cà phê

Sâu bệnh hại cà phê là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại lớn cho năng suất vụ mùa. Bà con nông dân cần có các biện pháp phòng trừ hiệu quả và thích hợp để đảm bảo giá trị kinh tế. Để tránh tình trạng sâu bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây cà phê, bà con cần có các biện pháp triệt để. Một số biện pháp được bà con áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả khá cao:

  • Thường xuyên thăm vườn, quan sát, kiểm tra cây cà phê để phát hiện bệnh kịp thời. Sau đó đưa ra các cách diệt trừ sâu bệnh thích hợp. 
  • Vệ sinh vườn cà phê bằng cách dọn cỏ rác xung quanh gốc cây. Tỉa cành để tạo sự thông thoáng cho vườn, tránh sự phát triển của mầm bệnh.
  • Vào mùa khô cần tưới nước đầy đủ để rửa trôi đi mầm bệnh.

  • Bón phân cho cà phê và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây được xem là cách làm nhanh nhất để diệt trừ sâu bệnh. Tuy nhiên việc phun thuốc trên diện tích vườn trồng lớn gặp phải rất nhiều khó khăn. Máy bay nông nghiệp ra đời đã khắc phục được những bất cập này. Đây là một trợ thủ đắc lực của người nông dân trong công cuộc phòng trừ sâu bệnh hại.

Kết luận

Cà phê hiện đang là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, diện tích canh tác cà phê hiện đang được nhân rộng liên tục trên nhiều địa bàn trong thời gian qua. Việc ứng dụng các kỹ thuật trồng cà phê hiệu quả trở nên ngày càng quan trọng để đảm bảo năng suất mùa vụ. Hi vọng những thông tin mà Drone Việt cung cấp ở bài viết này sẽ hữu ích với bà con. Chúc bà con thành công!

Bài viết liên quan

Viết một bình luận